Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

TP Sông Công: Đồng khởi ra quân tiêm phòng dại cho chó, mèo

2024-03-18 14:42:00.0

Sáng ngày 17/3, thành phố Sông Công đồng loạt tổ chức chiến dịch ra quân tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại 10/10 xã, phường. Sông Công là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai nội dung này.

Các điểm tiêm được tổ chức theo đúng quy định

Tiêm phòng vắcxin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái… Tiêm phòng vắcxin không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của người chăn nuôi. Chính vì vậy UBND TP Sông Công đã có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, coi tiêm phòng là khâu chính, có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Để chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn. UBND TP đã xây dựng kế hoạch, theo đó yêu cầu 100% xã, phường tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, khử trùng tiêu độc; Tiêm phòng đúng chủng loại vắc xin, đúng đối tượng gia súc, gia cầm; phun khử trùng tiêu độc tập trung đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, an toàn cho con người, động vật và không ảnh hưởng đến môi trường.

Người dân đã nâng cao ý thức trong công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo

Trong đợt 1/2024, TP Sông Công dự kiến sẽ tiêm 9300 liều vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Ngay trong buổi sáng ngày đầu ra quân, đã có trên 80% tổng đàn chó, mèo trên địa bàn được tiêm phòng. Người dân được hỗ trợ 10.000 đồng/13.950 đồng giá mua vắc xin tiêm phòng bệnh dại. Anh Nguyễn Văn Huấn, TDP Vinh Quang 2, phường Châu Sơn, TP Sông Công cho biết: gia đình nhận thức rõ việc cần phải tiêm phòng đẩy đủ cho đàn vật nuôi, bởi trước hết là bảo đảm tính mạng cho chính gia đình mình.

Ngay trong buổi sáng ngày đầu ra quân, đã có trên 80% tổng đàn chó, mèo trên địa bàn được tiêm phòng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết các điểm tiêm trên địa bàn thành phố đã sử dụng vắc xin theo đúng quy định kỹ thuật; mạng lưới thú y cơ sở cùng với các địa phương tích cực thực hiện việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Cùng với đó, ý thức của người dân cũng đã được nâng cao khi nắm bắt được nguy cơ, tác hại của bệnh dại, từ đó tích cực, tự giác mang vật nuôi đi tiêm. Sau khi tiêm, cán bộ thú y cấp giấy chứng nhận, phiếu bảo hiểm cho chủ nuôi. Đối với các địa phương chưa hoàn thành công tác tiêm phòng dại trong ngày ra quân, TP Sông Công chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêm vét chậm nhất là ngày 25/3.

Bá Xuyên là một trong những địa phương có lượng gia súc, gia cầm cao trên địa bàn TP. Đây cũng là địa phương thực hiện tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hàng năm đạt tỷ lệ trên 85% trở lên; nhờ có sự tuyên truyền của cán bộ Thú y xã và phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xã nên bà con nông dân luôn chấp hành việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình. Ông Đặng Văn Phúc, Trưởng xóm Na Chùa, xã Bá Xuyên, TP Sông Công cho biết: trước khi diễn ra ngày tiêm phòng, xóm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của công tác tiêm phòng.

Các cơ quan chuyên môn kiểm tra tại các điểm tiêm

Người dân được phát giấy chứng nhận sau tiêm phòng

Thành phố Sông Công triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn Chó không những góp phần đảm bảo ổn định đàn vật nuôi mà còn nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại cũng như bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người.

Đợt 1 năm 2024 tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Sông Công sẽ kết thúc ngày 10/4, với gần 200 nghìn liều vắc xin.

Để công tác tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm  được TP Sông Công đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi. Tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm, bảo quản vắcxin cho lực lượng nhân viên thú y xã, cộng tác viên thú y. Giao chỉ tiêu tiêm phòng số lượng đàn vật nuôi, số lượng vắcxin cho cơ sở, đồng thời chuẩn bị vật tư, vắcxin, dụng cụ tiêm phòng đầy đủ. TP cũng chỉ đạo tổ chức tiêm phòng cho tất cả các loại gia súc, gia cầm trong diện tiêm của các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình đều phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo quy định. Tiêm phòng đúng chủng loại vắcxin, đúng đối tượng gia súc, gia cầm đúng kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho người tham gia tiêm phòng. Đồng thời, tăng cường cử cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn lực lượng trực tiếp tham gia tiêm phòng để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

Theo thống kê, TP Sông Công hiện có trên 20.000 con lợn; trên 3.000 con trâu, bò và hơn 1,2 triệu con gia cầm; 129 trang trại chăn nuôi gà, lợn quy mô vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trước đó, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Theo kế hoạch, TP sẽ hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2024 hoàn thành trong tháng 11, các loại vắc xin đã được tiêm phòng đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn đã phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc gia súc, gia cầm; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi để có phương án phòng bệnh kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Việc phòng bệnh cho vật nuôi hiện nay là một điều vô cùng quan trọng và nó trở thành một công tác không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi cần phải tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, nhất là chú trọng tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để giảm nguy cơ bùng phát, lây lan dịch, góp phần đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

 

MT



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2914910