Truy cập nội dung luôn

Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà”

Ngày 20/5, tại Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội phối hợp với Hội Chè Thái Nguyên tổ chức Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà”. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 5 năm ngày Trà thế giới (21/5/2020 - 21/5/2025), đồng thời góp phần định hướng phát triển bền vững ngành chè Việt Nam.

Các đại biểu dự Diễn đàn

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, trà Thái Nguyên đã khẳng định vị thế là một trong những đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là sản phẩm nông nghiệp, trà Thái Nguyên còn mang đậm giá trị văn hóa, gắn liền với đời sống, lịch sử và bản sắc của người dân nơi đây. Tư liệu lịch sử từ thời Nguyễn, như Đại Nam nhất thống chí từng ghi nhận "chè Nam ở Phú Lương có chất lượng vượt trội so với các vùng khác". Sang đầu thế kỷ XX, vùng Tân Cương được người Pháp chọn làm nơi phát triển theo quy mô lớn và bài bản, mở đường cho sản phẩm trà vươn ra thị trường quốc tế với hương vị đặc trưng và độc đáo.

Chuyên gia trao đổi về văn hóa trà tại Diễn đàn

Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà” được tổ chức như một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động của Hành trình “Trà Việt - Văn hóa và di sản” nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của cây chè, đồng thời thúc đẩy định hướng phát triển bền vững. Đây là sáng kiến do Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội khởi xướng, hướng tới kết nối giới nghiên cứu, nghệ nhân, cộng đồng làm chè và ngành du lịch.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân và cộng đồng yêu trà đã cùng trao đổi về văn hóa trà Việt; định hướng phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên; bảo tồn di sản và phát triển ngành chè theo hướng bền vững. 

Bên cạnh đó, các đại biểu được trải nghiệm nghệ thuật trình diễn nghi thức mời trà trong đời sống văn hóa người Việt do các trà nương của tỉnh thể hiện. 

Chế biến trà thủ công tại HTX Chè Hảo Đạt

Diễn đàn là bước khởi đầu cho chiến lược dài hạn nhằm nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế với những cam kết mà Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè Thái Nguyên và đại diện chính quyền tỉnh Thái Nguyên đưa ra gồm: Hỗ trợ bảo vệ giống chè bản địa, gìn giữ nghệ thuật chế biến truyền thống và bảo vệ môi trường canh tác; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè sạch, khuyến khích hợp tác xã và doanh nghiệp đổi mới sản phẩm như trà xanh, trà ô long; xây dựng các tour trải nghiệm vùng chè Tân Cương, kết hợp với di sản văn hóa Thái Nguyên để thu hút du khách; phối hợp với các cơ quan truyền thông và đối tác quốc tế để đưa thương hiệu chè Thái Nguyên đến với thị trường lớn như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

 

Thanh Thủy - Đình Sơn
thainguyen.gov.vn